Hướng dẫn cách phân loại rác tại Nhật Bản

12:06
Đi du học Nhật Bản vừa học vừa làm hoặc xuất khẩu lao động, dù đến Nhật bằng hình thức nào thì mỗi người đều phải tự trau dồi cho mình những kiến thức, kinh nghiệm cơ bản nhất để hòa nhập với văn hóa, lối sống của đất nước này. Trong mục chia sẻ kinh nghiệm sống tại Nhật Bản hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách phân loại rác khi sống tại Nhật Bản.

Hướng dẫn cách phân loại rác tại Nhật Bản

Sinh hoạt tại các thành phố của Nhật Bản, điều đầu tiên bạn cần làm là đọc kỹ bản hướng dẫn phân loại rác ở nơi mình sinh sống. Không có một hệ thống quy chuẩn áp dụng cho tất cả mọi nơi trên đất nước mà tùy từng vùng sẽ có các cách phân loại khác nhau (do khác biệt điều kiện môi trường, dân số) nhưng về cơ bản luôn có 2 loại là rác đốt được, rác không đốt được, ngoài ra thì còn cơ số các loại khác (xem thêm ở cuối bài)… Thậm chí có nơi còn phân loại kĩ đến mức mà phong bì và giấy loại còn phải để riêng hoặc như thị trấn Kakimatsu ở Shikoku thì chia rác ra làm 44 loại.

Ở Nhật Bản, mỗi ngày thu loại rác nào cũng không giống nhau. Vào đầu mỗi năm, các trạm trung chuyển rác sẽ phát cho mỗi gia đình mà họ phụ trách vệ sinh một tờ lịch treo tường. Trong tờ lịch này ghi rõ, mỗi ngày gom và vận chuyển loại rác nào, tuần nào chỉ thu giấy, tuần nào thu rác có thể đốt, v.v… có những loại rác thì được thu gom hằng tuần, có loại thì mỗi 2 tuần, có loại thì 1 tháng 1 lần, có khi 1 năm 1 lần. Những loại rác quá khổ (ô tô chẳng hạn) sẽ được thu gom 2 lần mỗi năm và bạn phải trả thêm một khoản phí.

Túi rác mà bạn dùng để phân loại phải là loại riêng. Ví dụ các loại rác đốt dược sẽ đem cho vào túi đỏ, tuy nhiên không phải tất cả túi rác đỏ nào cũng được mà phải là loại túi rác đỏ “theo quy định”. Nếu không, túi rác của bạn sẽ bị trả về kèm theo một “vé xấu hổ”, để nhắc nhở chính bạn đấy.

I. Tại sao phải phân loại rác?

Nhật Bản phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong việc xử lí rác. Vấn đề lớn nhất là thiếu đất để chôn rác. Kể từ những năm 60 của thế kỉ trước, Nhật Bản đã nhận ra rằng với dân số ngày càng đông và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng lên, nếu không tìm ra giải pháp giải quyết rác thải thì sớm muộn Nhật Bản sẽ phải sống trong bể rác.

Theo thống kê của Waste Atlas thì mỗi năm trung bình một người Nhật thải ra 356.2 kg rác, tổng cộng trên toàn nước Nhật là 45 360 000 tấn rác mỗi năm, đứng hàng số 8 trên thế giới. Nhưng không như Hoa Kì hay Trung Quốc, Nhật Bản không có chỗ để mà chôn rác. Thế nên họ tìm cách khác, đó là giáo dục người dân phân loại rác.

Người Nhật xử lý rác đã thu gom, phân loại như thế nào?

Khoảng 20.8% lượng rác thu được sẽ đem đi tái chế (thường là giấy báo các loại và nhựa). Một ví dụ điển hình là loại chai nhựa PET (C10H8O4)n dùng để làm đồ uống đóng chai ở các máy bán hàng tự động, cửa hàng tiện lợi (mấy chai trà Oolong, Ice+ hay C2 đó…). Sau khi dùng xong, hãy nhớ vứt chai vào thùng tái chế, hoặc thùng PET. Các công ty Nhật sẽ sử dụng chính chai nhựa mà bạn vứt để đốt ở nhiệt độ cao, qua quá trình xử lí tái chế thành 1 chai mới y hệt. Điều này giảm đến 90% lượng nguyên nhiên liệu cần để làm ra chất PET mới.

Số rác còn lại sẽ được đem đi đốt, nhưng không phải đốt như bình thường mà được xử lí theo công nghệ tầng sôi (FBC). Nôm na thì công nghệ này vùi phế thải trong một lớp cát và chất hóa học ở nhiệt độ cao. Có ưu điểm là lượng khí thải rất nhỏ, và quá trình đốt diễn ra liên tục nên có chi phí rẻ hơn đốt thông thường, không tốn diện tích và nhiệt lượng tỏa ra (trên 800 độ C) còn được dùng để sản xuất điện. Nhật Bản cũng xuất khẩu các công nghệ này đến các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Sigapore và cả Việt Nam.

Thậm chí rác thải qua xử lí còn được dùng để tạo thêm đất, hay chính là đảo nhân tạo. Công nghệ này sẽ giúp bồi đắp thêm đất liền chạy ra biển. Dubai là một ví dụ với Quần đảo cây cọ. Nhật Bản cũng đã dùng phương pháp này để tạo thêm đất liền vươn ra biển bằng hỗn hợp đá nặng, xi măng, bụi và tất nhiên là cả rác nữa. Một ví dụ điển hình là Sân bay quốc tế Chubu ở phía Nam Nagoya được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo.

II. Hướng dẫn cách phân loại rác khi sống tại Nhật Bản

Rác thải trong gia đình tại Nhật Bản được phân thành 6 loại như sau:

Rác đốt được

Rác nhà bếp (các món nấu vụn, cơm thừa, vỏ trái cây, bã trà,vỏ trứng, rau thừa…), tàn thuốc lá, giấy vụn, đũa dùng một lần, tăm tre để xiên nướng, hộp giấy, cây cỏ, lá khô, bụi của máy hút bụi, hàng đồ da, gỗ vụn trong công việc làm tại nhà, băng vệ sinh, tã giấy…

Chú ý:

- Khi bỏ rác, bỏ vào bao nhựa dẻo hoặc bao nhựa vinyl có bán bên ngoài… và buộc miệng bao lại trước khi bỏ rác.

- Rác nhà bếp phải được vắt hết nước, dùng giấy báo… gói lại trước khi bỏ vào bao.

- Gỗ vụn, cành cây trong vườn… phải được cắt ngắn cỡ 50cm, dùng dây cột bó lại trước khi bỏ ra.

2. Rác không đốt được

Sản phẩm làm bằng nhựa cứng (chai chứa dầu gội đầu, hộp đựng bột giặt, bao được thức ăn, đồ chơi…) sản phẩm bằng nhựa dẻo, sản phẩm bằng nhựa vinyl, sản phẩm làm bằng nhựa ni lông, nhựa xốp, cao xu các loại (giày thể thao, giày ống cao, dép…), sản phẩm da nhân tạo, đồ gốm các loại, lưỡi dao cạo, bóng đèn điện, kính, lọ mỹ phẩm, thủy tinh pha lê, ô dù, ghế ngồi, bình thủy, lọ xịt, lon đựng sơn…

Chú ý:

- Rác không đốt được phải cho vào bao nhựa dẻo hoặc bao nhựa vinyl trước khi bỏ ra.

- Những thứ to lớn không thể bỏ vào bao tải được thì làm sao đừng rơi rớt đây đó.

- Lọ bình xịt có thể gây nguy cơ nổ,cần phải cho xì ra hết khí bên tronng trước khi bỏ ra.

- Khi bỏ vật nguy hiểm như lưỡi dao cạo… phải bọc trong giấy báo và ghi chữ “危険= nguy hiểm”, xong cho vào bao nhựa vinyl trước khi bỏ ra.

3. Rác tái chế

Giấy các loại (giấy báo, tờ rơi quảng cáo, giấy báo gói hàng, hộp đựng quần áo, hộp đựng giầy, hộp trống, thùng giấy carton…) quần áo (quần áo, vải vụn cũ ) lon rỗng (bia, rượu, nước giải khát, thức ăn đóng hộp, chai đựng sữa…), kính bể, chai, bộ đồ ăn (son, nồi, niêu, ấm nước, sắt vụn, xe đạp, gia cụ bằng sắt thép…), đồ điện gia dụng (tivi, máy giặt, tủ lạnh, dàn máy stereo, lò sưởi, bếp gas… một số rác loại này là thu có phí), mền nệm = Futon…

Chú ý:

- Lon va chai cho vào bao nhựa dẻo hoặc bao nhựa vinyl trước khi bỏ ra.

- Giấy các loại, quần áo các loại phải chia theo loại và buộc dây theo hình chữ thập, và giữ sao cho nó không bị mưa ướt khi bỏ ra.

- Chai và lon phải rửa một lần trước khi bỏ ra.

- Thuỷ tinh bể vỡ phải gói bằng giấy báo…, bỏ vào bao va ghi chữ “Garasu kiken = thủy tinh nguy hiểm” bên ngoài bao trước khi bỏ ra.

4. Rác có hại

Pin, bóng đèn huỳnh quang, nhiệt kế.

Chú ý:

- Cho vào bao nhựa dẻo hoặc bao nhựa vinyl trước khi bỏ ra.

- Bên ngoài bao ghi rõ “Yugai gomi = rác có hại” trước khi bỏ ra.

- Lưu ý để không bỏ lẫn với rác tài nguyên trước khi bỏ ra .

- Pin có chứa chất thủy ngân hữu cơ độc hại, do đó hãy bỏ vào bao trong có thể nhìn thấy bên trong và tuân theo cách bỏ đã được quy định.

5. Rác cồng kềnh

Gia cụ các loại (bàn gỗ,ghế gỗ, tủ đựng quần áo, bàn kính trang điểm, giường, thảm cao cấp các loại, thảm thường các loại, tấm đệm…), cửa các loại (cửa ra vào, cửa giấy kiểu Nhật …). Rác lớn cồng kềnh là những đồ vật như nêu trên mà có kích cỡ khoảng trên 1m2.

Chú ý:

- Khi mua cửa các loại…thì hãy yêu cầu người bán hàng thu nhận đồ cũ.

- Đồ gỗ có thể cắt ra thành từng tấm có mỗi cạnh dưới 50cm, bó lại và bỏ ra vào ngày rác đốt được.

- Rác lớn cồng kềnh bỏ ra trước cửa nhà hoặc bỏ ra nơi mà xe (tấn) có thể vào được.

- Bỏ rác theo chế độ xin bỏ rác bằng điện thoại. Tùy theo loại đồ vật, có trường hợp phải trả một khoản phí thủ tục thu hồi rác.

III. Văn hóa Nhật Bản trong vấn đề phân loại rác

Phân loại rác đã trở thành một công việc hằng ngày và bình thường đối vỡi mỗi người dân Nhật Bản. Việc đầu tiên vào buổi sáng khi người Nhật Bản mở cửa là vứt rác. Người Nhật Bản mỗi buổi sáng thức dậy ra khỏi cửa đều một tay xách cặp một tay xách túi rác. Trước khi đến cơ quan, nhiệm vụ của người đàn ông trong nhà là vứt rác vào thùng rác cố định hoặc máy thu gom rác đặt ở tầng 1. Thế nên người Nhật Bản mới nói đùa với nhau rằng, “ông xã chính là một cái máy vứt rác”. Thùng rác được đặt trên đường phố hoàn toàn không nhiều. Những người Nhật Bản mỗi khi ra khỏi nhà cũng đem rác bỏ vào trong chính túi rác mà họ mang theo bên mình. Vì vậy nếu bạn đến các trung tâm mua sắm xa hoa của Nhật và bắt gặp những cô gái trẻ đẹp cầm những túi đựng rác đi shopping thì bạn cũng đừng kinh ngạc.

Các cơ sở xử lý rác ở Nhật Bản luôn mở cửa với công chúng, trở thành một cửa địa điểm quan trọng trong công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân. Ở các cơ sở xử lý rác thải đều có những khu chuyên dùng cho việc đón tiếp những người đến đây tham quan. Học sinh các trường, cư dân thành phố đều là những vị khách thường xuyên của nơi đây. Đặc biệt là đối với học sinh, việc tham quan các cơ sở xử lý rác đã trở thành một môn học bắt buộc. Nhờ vậy mà ý thức phân loại rác, tiêu dùng có trách nhiệm và quý trọng môi trường thiên nhiên luôn được tiếp nối sau mỗi thế hệ người Nhật.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »