Những điều cần lưu ý khi giao tiếp với người Nhật

15:52
Bất kỳ lời nói, cử chỉ nào của người Nhật kể cả sự thúc giục hay từ chối cũng đều mang dấu ấn của sự lịch thiệp, nhã nhặn. Vì người Nhật có ý thức tự trọng cao nên họ đặc biệt tránh trở thành kẻ lố bịch, không đúng mực, khiếm nhã khi giao tiếp.

Những điều cần lưu ý khi giao tiếp với người Nhật

Người Nhật rất chú trọng làm sao cho người đối thoại cảm thấy dễ chịu. Họ không bao giờ muốn làm phiền người khác bởi những cảm xúc riêng của mình, cho dù trong lòng họ đang có chuyện đau buồn nhưng khi giao tiếp với người khác họ vẫn mỉm cười.

Lần đầu tiếp xúc:

Trong màn chào hỏi khi lần đầu tiếp xúc, sau khi tự giới thiệu tên, nói rằng lấy làm vinh dự được làm quen, người Nhật thường cúi chào và nói: "Rất mong được sự giúp đỡ của bạn".(Trong khi có thể bạn thực sự chẳng giúp gì cho họ hoặc cũng chẳng liên quan gì tới công việc của họ). Người Nhật thường không bắt tay, tất nhiên trong một số trường hợp, khi gặp gỡ người nước ngoài theo phép lịch sự họ vẫn bắt tay. Cúi chào là phong tục của người Nhật. Khi đối phương cúi chào mà mình vẫn đứng nguyên thì quả là rất thất lễ, chính vì thế người kia cũng cúi chào theo. Khi cúi chào, nữ giới thường để hai tay phía trước, còn nam giới để hai tay bên hông. Góc độ cúi chào cũng thể hiện mức độ thân thiết, thái độ lịch sự. Nếu cúi đầu khoảng 15 độ thì tương đương với câu xã giao hàng ngày, còn nếu cúi đầu khoảng 30 độ thì là lời chào tôn kính hơn và thường được thực hiện trong lần tiếp xúc đầu tiên. Góc chào 45 độ thể hiện sự trịnh trọng, sự cảm ơn sâu sắc cũng như mong muốn sự hợp tác giúp đỡ của đối phương.

Sau màn chào hỏi đó thì công việc tiếp theo và không thể thiếu là trao danh thiếp. Người Nhật thường không giới thiệu tỉ mỉ về bản thân như chức vụ, nghề nghiệp, công ty, nơi ở… mà chỉ cần qua danh thiếp là họ đã có thể biết được điều đó. Người Nhật rất cẩn thận khi trao danh thiếp, bao giờ họ cũng hướng danh thiếp về phía đối phương, sao cho đối phương nhìn thấy ngay toàn bộ danh thiếp chứ không chỉ đơn thuần là đưa danh thiếp. Nếu khi trao mà danh thiếp bị lộn ngược hay quay mặt trái về phía đối phương thì bị coi là không tôn trọng. Đương nhiên khi được trao danh thiếp thì bản thân cũng phải chuẩn bị danh thiếp và trao lại. Khi nhận được danh thiếp thì phải thể hiện thái độ trân trọng bằng cách giữ gìn cẩn thận, cất gọn vào sổ tay, tránh việc nhét luôn vào túi hoặc bỏ tạm ra đâu đó.

Trong lần gặp gỡ đầu tiên, người Nhật tránh hỏi những thông tin mang tính cá nhân riêng tư. Chẳng hạn người ta tránh hỏi về tuổi tác, vì người Nhật không muốn người khác biết mình bao nhiêu tuổi và sợ nghĩ đến nó. Trong trường hợp muốn biết, người ta thường có một số cách hỏi khác như bạn tốt nghiệp trường nào, được bao lâu rồi, hay bạn đã làm việc bao lâu (thâm niên công tác) trong công ty, song thực ra điều này cũng ít xảy ra. Người ta cũng tránh hỏi về gia đình vì sợ chẳng may sẽ làm đối phương khó trả lời vì rất có thể đối phương chưa có gia đình hay đã ly hôn hoặc không có con, nhiều khi người ta còn cảm thấy như bị xúc phạm.

Các ứng xử trong đời sống hàng ngày:

Trong cuộc sống đời thường cũng như trong công việc, để cho những mối quan hệ trở nên mật thiết hơn, người Nhật thường mời nhau đi ăn uống đồng thời để trò chuyện, bàn bạc công việc. Khi ăn uống ở nhà hàng, từng người sẽ chọn thực đơn cho mình và ăn đến đâu gọi đến đấy với lượng thức ăn vừa đủ. Người ta vừa ăn uống vừa tìm hiểu về nhau và có lẽ đây mới là lúc người ta hỏi thăm tới những chuyện riêng tư, chuyện gia đình của nhau một cách khéo léo. Không giống như người Việt Nam, người Nhật tránh việc gắp thức ăn cho nhau. Một điều đáng chú ý khi đi ăn uống với người Nhật, đó là tục tự trả phần tiền của mình, người Nhật gọi là Warikan. Người Nhật thích sòng phẳng, không muốn làm phiền hoặc ơn huệ người khác nên người ta cảm thấy tự nhiên khi ăn xong, từng người một tính toán phần tiền của mình và góp lại trả cho nhà hàng. Ngay cả những đôi trai gái yêu nhau, những người thuộc tầng lớp khác nhau khi mời nhau đi ăn đều làm như vậy như một lẽ đương nhiên, không một chút khách khí gì (không kể trường hợp một người đứng ra chủ chi mời khách nhân một sự kiện nào đó). Người Nhật thường không dùng tăm hoặc nếu có thì cũng chỉ nam giới cần đến.

Ngày thường, người Nhật thường ít đến nhà chơi, họ không muốn gây phiền hà cho chủ nhà. Tuy nhiên vào các dịp lễ tết, năm mới là lúc người ta đến thăm nhau, chủ yếu là bạn bè đến thăm nhau hoặc cấp dưới đến nhà cấp trên chơi. Khi đến nhà ai đó chơi dù ít hay nhiều, người Nhật đều chuẩn bị quà. Chủng loại quà cũng rất phong phú, song người ta thường biếu những món quà thực dụng với đời sống hàng ngày, đồ ăn, đồ uống hay hoa quả. Quà được gói trong hộp và trang trí đẹp, nếu là trái cây thì có thể bỏ trong túi xách hoặc gói bằng vải đẹp với những loại to (dưa hấu, cam…). Khác với người Việt, người Nhật không để quà sang một bên mà thường mở quà và tỏ ra vô cùng sung sướng nói rằng quà rất đẹp, rất hợp với mình, với khuôn mặt rất vui vẻ thể hiện sự biết ơn. Khi đến chơi, người Nhật phải hẹn trước một thời gian và hẹn giờ đến. Như vậy, chủ nhà sẽ biết trước và bố trí tiếp đón hợp lý. Chủ nhà cũng có khi chuẩn bị sẵn quà để đáp lại tình cảm của khách.

Về cách từ chối của người Nhật cũng rất khéo. Họ không muốn làm mất lòng đối phương mà người mời vẫn cảm thấy vui vẻ. Chẳng hạn khi được mời cùng làm việc gì đó (đi xem phim, đi ăn, đi chơi…) nếu không thích hoặc không thể đi được thì họ vẫn không nói thẳng mà thường vòng vo thật đáng tiếc bỏ lỡ một cơ hội và vì lý do này, lý do kia rồi không quên hẹn người kia mời lại vào một dịp phù hợp. Trong thương mại, khi không ưng một mặt hàng nào đó hay không thể ký kết một hợp đồng buôn bán, họ cũng không nói từ chối mà xin đối tác cho mình một thời gian để suy nghĩ và điều đó đã đồng nghĩa với việc không mua nữa. Và nếu sau một thời gian nhất định, khi người bán có liên lạc lại thì lúc đó họ mới chính thức nói lời từ chối với nhiều lý do khác nhau.

Trong giao tiếp hàng ngày, người Nhật không ngớt lời cám ơn, xin lỗi. Điều đó chưa chắc có nghĩa là họ thực sự phải cảm ơn hay đã mắc lỗi gì. Đó chỉ là một phép xã giao lịch sự mà người Nhật không cảm thấy tiếc rẻ lời nói của mình. Khi nhận được sự giúp đỡ của ai đó thì họ luôn mồm nói cảm ơn và chắc chắn lần sau gặp lại, người ta sẽ lại nói lời cám ơn thêm một lần nữa. Cũng như vậy, người Nhật hay khen và không bao giờ chê bai. Họ luôn luôn muốn làm cho người khác vui lòng và quả thật giới trẻ Nhật gần đây cũng rất thích được khen và tin rằng lời khen đó là thật. Khi không hài lòng với một cái gì đó, người Nhật cũng chỉ nói nó hơi thế này, thế nọ hoặc giá mà điều chỉnh thêm một chút thì sẽ tuyệt vời.

Vào dịp cuối năm,người Nhật thường viết thư từ, bưu thiếp gửi tới mọi người với những lời lẽ cảm tạ. Đó là cách thể hiện sự biết ơn sâu sắc một năm nhận được nhiều sự giúp đỡ, hợp tác của mọi người và xây dựng cho mối quan hệ tốt đẹp hơn. Những ai càng nhiều bạn bè, người thân, đặc biệt là những người làm trong công ty lớn, tiếp xúc với nhiều người thì càng vất vả trong dịp này, có khi họ phải ngồi viết hàng trăm lá thư, hàng trăm bưu thiếp. Bởi họ nghĩ, chỉ có viết tay mới thể hiện được tình cảm thực sự của mình. Cũng như vậy, khi đi công tác nước ngoài hay đi du lịch về, họ thường viết thư cảm tạ những người đã giúp đỡ mình trong chuyến đi. Thư cảm ơn như thế này đã trở thành một phong tục không thể thiếu ở Nhật Bản.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »