Chỉ tiêu xuất khẩu lao động sẽ sớm về đích

09:27
Mặc dù còn ba tháng nữa mới hết năm 2018, nhưng theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) hiện số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 92,64% kế hoạch năm 2018. Dự báo, chỉ tiêu xuất khẩu lao động sẽ “cán đích” sớm.

chi tieu xuat khau lao dong se som ve dich
Chỉ tiêu xuất khẩu lao động năm 2018 dự báo cán đích sớm.

Nhiều điểm sáng

Báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ riêng trong tháng 9 là 16.080 lao động (5.626 lao động nữ). Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất trong tháng 9 với hơn 9.000 lao động, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 5.927 lao động, Hàn Quốc 510 lao động, Saudi Arabia 225 lao động, Malaysia 100 lao động, Romania 94 lao động, Kuwait 69 lao động, Algeria 52 lao động và các thị trường khác.

Tổng hợp trong 9 tháng năm 2018, có 102.116 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 10,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tại thị trường khu vực Đông Bắc Á, số lao động đi làm việc là 96.827 người, chiếm tỷ trọng 94,82% tổng số lao động đưa đi, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động đi làm việc tại Đài Loan là 47.721 người, chiếm tỷ trọng 49,28% số lao động đi làm việc trong khu vực này và 46,73% tổng số lao động đưa đi trong 9 tháng năm 2018.

Tổng hợp báo cáo cho thấy, trong 9 tháng năm 2018, có tổng số 26 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chỉ có 5 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên, bao gồm: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Rumania và Ả rập Xê út.

Bên cạnh thị trường truyền thống, trong năm 2018 xuất khẩu lao động kỹ thuật cao cũng được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả. Thực hiện ý định thư giữa Bộ LĐTBXH với Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức trong năm 2018, Trung tâm lao động ngoài nước, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã tổ chức lễ bế giảng khóa 3 ngành điều dưỡng và chăm sóc người già tại Đức.

Đợt tuyển chọn được tổ chức trong tháng 3/2018, kết quả có 176 học viên trúng tuyển. Sau 12 tháng học tiếng Đức và qua 3 lần kiểm tra tiếng Đức, 110 học viên đạt yêu cầu về trình độ B1 tiếng Đức đã hoàn thành chương trình đào tạo định hướng. Số học viên này được Trung tâm Lao động ngoài nước hỗ trợ hoàn tất thủ tục xin visa để xuất cảnh vào cuối tháng 9/2018.

Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, thực hiện ý định thư giữa Bộ LĐTBXH với Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức, Trung tâm Lao động ngoài nước đã được giao trực tiếp ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Vivantes để tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động Việt Nam sang Đức học tập, làm việc trong ngành điều dưỡng và chăm sóc người già. Qua hơn 3 năm triển khai chương trình, số lượng học viên tham gia mỗi khóa đều tăng lên (khóa 1: 114 học viên, khóa 2: 129 học viên và khóa 3: 155 học viên).       

Kéo dài thời gian ký quỹ

Bên cạnh những điểm sáng trên, trong năm 2018 tình trạng lao động bỏ trốn bất hợp pháp vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Tại thị trường Hàn Quốc, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có gần 1.000 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước. Tuy nhiên số lao động còn cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn còn khá cao. 

Xuất phát từ thực trạng trên, hiện Bộ LĐTBXH đang dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1465/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS do Bộ LĐTBXH đang xây dựng và lấy ý kiến.

Đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, tính đến ngày 30/5 vừa qua, đã có 26.049 người lao động thực hiện ký quỹ đi làm việc tại Hàn Quốc với tổng số tiền 2.604,9 tỷ đồng. Việc ký quỹ nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người lao động khi tham gia chương trình, giảm tình trạng lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số quy định về ký quỹ đã bộc lộ hạn chế cần phải sửa đổi.

“Đối với việc quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của người lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước, trong lần sửa đổi này, Bộ đề nghị chuyển số tiền này vào ngân sách nhà nước tại địa phương nơi người lao động cư trú trước khi xuất cảnh để địa phương quản lý và sử dụng” – đại diện Bộ LĐTBXH cho biết. 

Bên cạnh đó, theo thống kê từ tháng 9/2018 đến hết năm 2020 có 10.462 lao động hết hạn hợp đồng 4 năm 10 tháng phải về nước, chiếm 45,44% số lao động ký quỹ (23.019 người). Vì vậy, Bộ LĐTBXH kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện thí điểm thêm 2 năm (đến ngày 21/8/2020) để có thêm thời gian và thông tin, số liệu về việc ký quỹ của người lao động để đánh giá đúng, đầy đủ hiệu quả của chính sách này.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »