Xuất khẩu lao động “cán đích” trước thời hạn

09:18
10 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động, vượt chỉ tiêu đề ra và đạt 106,07% kế hoạch năm. Dự báo, năm 2019, nhiều thị trường tiếp tục “rộng cửa” với lao động Việt Nam.

xuat khau lao dong can dich truoc han
10 tháng đầu năm, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã vượt kế hoạch năm

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian qua, thị trường xuất khẩu lao động tại Việt Nam diễn ra rất sôi động, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài năm 2018 đã vượt kế hoạch đề ra. Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc tại nước ngoài trong tháng 10 năm 2018 là 14.548 lao động.

Theo đó, những thị trường lao động thu hút được nhiều lao động Việt Nam là thị trường Đài Loan: 5.373 lao động (1.557 lao động nữ), Nhật Bản: 8.078 lao động (3.204 lao động nữ), Hàn Quốc: 522 lao động (46 lao động nữ), ngoài ra còn có một số thị trường khác như Malaysia, Rumania, Algeria,  Kuwait…

Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động (41.636 lao động nữ) đã vượt chỉ tiêu đề ra và đạt 106,07% kế hoạch năm.

3 tháng cuối năm 2018, nhiều chính sách mới của các thì trường tiềm năng cũng được thông qua, tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Ngày 5/11, Thủ tướng Australia vừa thông báo việc nới lỏng quy định cấp thị thực nhập cảnh làm việc tạm thời để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp được thuê thêm lao động thời vụ.

Theo đó, Chính phủ Australia sẽ nới lỏng quy định đối với 2 loại thị thực nhập cảnh vào nước này, cụ thể là những lao động thời vụ tạm thời và những lao động từ các quốc đảo Thái Bình Dương để bổ sung nguồn lao động cho ngành nông nghiệp trong lúc thu hoạch mùa vụ. 

Những thay đổi này được Chính phủ Australia đưa ra sau khi có tình trạng quá nhiều hoa quả chín và hỏng ở trên cây mà không được hái xuống do các nông trại tại Australia không có đủ người làm việc. Đây là hệ quả của chính sách siết chặt việc cấp thị thực cho lao động thời vụ mà nước này thực hiện từ năm 2017 khiến cho ngành nông nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt là trong thời điểm thu hoạch. Chính phủ Australia hy vọng, việc nới lỏng chính sách cấp thị thực cho lao động thời vụ sẽ khiến ngành nông nghiệp của nước này không bị ảnh hưởng do thiếu lao động.

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã trình Quốc hội dự thảo luật kiểm soát nhập cư sửa đổi nhằm tiếp nhận thêm lao động người nước ngoài và giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng của Nhật Bản.

Theo ước tính của các bộ ngành Nhật Bản, nếu hệ thống nhập cư mới có hiệu lực từ tháng 4/2019, Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 40.000 lao động người nước ngoài trong năm tài chính 2019. Chính phủ Nhật Bản dự kiến tiếp nhận lao động người nước ngoài trong 14 lĩnh vực, trong đó có xây dựng và điều dưỡng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng vừa thông báo lịch phỏng vấn dành cho lao động đi làm hộ lý và điều dưỡng tại Nhật Bản. Đối với những ứng viên tại Hà Nội sẽ thi tuyển tại Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ LOD (924 Bạch Đằng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thời gian tập trung: ngày 8 và 9/11.

Tại TPHCM, thí sinh tham dự phỏng vấn tại Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco, địa chỉ: số 1 Phổ Quang, P2, quận Tân Bình, TPHCM. Thời gian tập trung: ngày 12/11.

Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý, cơ quan này là đơn vị duy nhất triển khai thực hiện Chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Từ năm 2012 đến nay, Cục đã đào tạo và xuất cảnh được 892 học viên về điều dưỡng viên, hộ lý sau khi kết thúc khóa học thi đạt chứng chỉ N3 với mức lương thông thường 140.000 - 150.000 yên/tháng.



Trong quá trình học tập và làm việc 3-4 năm, nếu điều dưỡng viên, hộ lý thi đạt Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản có thể ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Năm 2018 là năm đầu tiên ứng viên hộ lý Việt Nam được thi Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản và đã có 89/95 ứng viên thi đạt.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »