“Cơn khát” lao động nước ngoài tại Nhật Bản

10:37 Add Comment
Chính phủ Nhật Bản đã triển khai một số biện pháp để thay đổi chính sách nhập cư nhằm thu hút thêm lao động nước ngoài tới làm việc trong bối cảnh dân số ngày càng già đi và tỷ lệ sinh liên tục giảm.

con khat lao dong nuoc ngoai tai nhat ban
Mohammad (phải) và Munadi là hai lao động nước ngoài tại Nhật Bản. (Ảnh: Guardian)

Ngồi trên nền nhà xưởng nhìn ra đảo Inland của Nhật Bản, Mohammad và Munadi lần lượt xâu từng vỏ sò vào các thanh kim loại mỏng. Những vỏ sò này sẽ được sử dụng để nuôi hàu, một đặc sản của khu vực phía tây Nhật Bản. Để phá vỡ nhịp điệu đều đều của công việc, hai người đàn ông thỉnh thoảng trò chuyện với nhau bằng tiếng Java bản địa.

Cả Mohammad và Munadi thậm chí chưa từng nhìn thấy con hàu trước khi họ đến Akitsu, một thành phố cảng bé nhỏ ở phía đông Hiroshima từ tháng 4 năm nay. Họ là một phần trong lực lượng lao động nước ngoài ngày càng tăng tại Nhật Bản - lực lượng được các nhà hoạch định chính sách xem là giải pháp cho tình trạng dân số già hóa và ngày càng ít đi cùng tỷ lệ sinh thấp tại Nhật Bản.

Dưới sức ép từ cộng đồng doanh nghiệp sau khi phải đấu tranh với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên, chính phủ Nhật Bản cuối cùng cũng buộc phải nới lỏng chính sách nhập cư khắt khe của nước này.

Tuần trước, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã phê chuẩn dự luật cho phép chào đón nửa triệu người lao động nước ngoài tới Nhật Bản trước năm 2025. Việc phê chuẩn dự luật được xem là động thái chấm dứt truyền thống phản đối nhập cư số lượng lớn tại Nhật Bản từ nhiều năm nay. Dự luật dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4 năm sau.

Là một trong những quốc gia ít đa dạng sắc tộc nhất thế giới, Nhật Bản từ lâu đã phản đối người lao động nước ngoài, ngoại trừ những người làm việc trong các lĩnh vực như giảng dạy, y học, kỹ thuật và luật. Mohammad và Munadi là hai trong số những người thuộc chương trình thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài do chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Chương trình này cung cấp cho người lao động tại các quốc gia đang phát triển những kỹ năng để họ có thể sử dụng khi trở về nước sau 5 năm làm việc tại Nhật Bản.

Những người chỉ trích nói rằng các ông chủ đang lợi dụng chương trình của chính phủ để thuê nhân công giá rẻ, thậm chí nhiều người không trả lương xứng đáng hoặc buộc các thực tập sinh phải làm việc trong thời gian kéo dài. Ngoài ra, chương trình chỉ thu hút được hơn 260.000 lao động nước ngoài trong năm 2017 và không có đủ nhân lực sở hữu những kỹ năng cụ thể để đáp ứng yêu cầu của một số ngành đang thiếu lao động tại Nhật Bản.

Năm 2017, Nhật Bản có 1,28 triệu người lao động nước ngoài trong tổng số 66 triệu người lao động trên cả nước, gấp đôi năm 2012. Tuy nhiên, nhiều người trong số này là các sinh viên đại học hoặc các thực tập sinh kỹ thuật như Mohammad và Munadi, những người không được phép ở lại vô thời hạn. Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản giảm xuống mức 2,3% hồi tháng 9 và cứ 100 người tìm việc sẽ có 163 vị trí công việc trống để họ lựa chọn. Đây là tỷ lệ thiếu lao động, thừa việc làm cao nhất trong hơn 40 năm tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Chính sách nhập cư mới

con khat lao dong nuoc ngoai tai nhat ban
Các thực tập sinh nước ngoài làm việc tại công trường xây dựng ở Tokyo. (Ảnh: Nikkei)

Theo dự luật mới, người lao động nước ngoài ở Nhật Bản sẽ được chia thành hai nhóm. Những người có kỹ năng làm việc trong những ngành đang thiếu lao động sẽ được cấp phép thời gian làm việc lên tới 5 năm nhưng không thể mang theo gia đình đi cùng sang Nhật Bản. Những người sở hữu những kỹ năng cao cấp hơn có thể mang theo gia đình và gia hạn thị thực vô thời hạn, thậm chí có thể nộp hồ sơ xin định cư vĩnh viễn. Tất cả lao động thuộc cả hai nhóm này đều phải vượt qua kỳ thi tiếng Nhật.

Thủ tướng Abe khẳng định ông không từ bỏ chính sách nhập cư khắt khe của Nhật Bản.

“Đừng hiểu nhầm”, ông Abe nói, đồng thời cảnh báo tình trạng thiếu hụt lao động có thể cản trở nền kinh tế Nhật Bản phát triển.

“Chúng ta không theo đuổi chính sách nhập cư như trước đây. Sẽ là sai lầm nếu đặt các giá trị chúng ta vào tay người nước ngoài. Thay vào đó, điều quan trọng là cần tạo một môi trường nơi mọi người có thể cùng tồn tại vui vẻ”, ông Abe nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia không đồng tình với nhà lãnh đạo Nhật Bản.

“Tôi nghĩ đây là sự chuyển đổi thực sự sang một chính sách nhập cư mới”, Hidenori Sakanaka, cựu lãnh đạo cơ quan nhập cư Tokyo, nhận định.

Đảng cánh hữu Nhật Bản Là Số Một than phiền rằng sự tăng lên đột biến của người lao động nước ngoài sẽ gây sức ép lên các dịch vụ phúc lợi và dẫn tới tỷ lệ tội phạm cao hơn.

Yuichiro Tamaki, lãnh đạo đảng Dân chủ Nhân dân cũng bày tỏ quan ngại về sức ép lên tiền lương và các dịch vụ xã hội khi Nhật Bản đón thêm nhiều người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, ông Tamaki là lãnh đạo đảng đầu tiên tại Nhật Bản ủng hộ chính sách nhập cư theo kiểu châu Âu, trong đó bảo đảm bình đẳng tiền lương và bình đẳng việc làm, đồng thời cho phép người lao động nước ngoài mang theo gia đình tới Nhật Bản.

Một cuộc khảo sát do TV Tokyo và Nikkei thực hiện cho thấy 54% số người Nhật Bản được hỏi nói rằng họ ủng hộ việc cho phép người lao động nước ngoài có kỹ năng thấp tới Nhật Bản, trong khi 36% phản đối. Giới trẻ là nhóm có tỷ lệ ủng hộ cao hơn.

Mohammad và Munadi cho biết họ đã thích nghi rất tốt với cuộc sống ở vùng nông thôn Nhật Bản mặc dù không ai có kế hoạch ở lại quá 3 năm. Cả hai thường dành những ngày nghỉ để đi mua sắm ở Hiroshima, chơi cầu lông và có thể mua thịt halal (thực phẩm của người theo đạo Hồi) ở siêu thị địa phương. Chỉ trong vài tháng, họ đã học đủ tiếng Nhật để giao tiếp với hàng xóm và các lao động nước ngoài khác.

“Chúng tôi hòa hợp với các đồng nghiệp và ông chủ người Nhật. Chúng tôi cũng được trả lương cao hơn nhiều so với ở Indonesia”, Munadi, người rời đảo Java vào tháng 4 ngay sau khi người vợ sinh con đầu lòng, cho biết.

“Công việc ở đây không có vấn đề gì, tuy nhiên chúng tôi vẫn nhớ gia đình. Mặc dù vậy chúng tôi đang rất vui ở đây”, Mohammad chia sẻ.

Xuất khẩu lao động “cán đích” trước thời hạn

09:18 Add Comment
10 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động, vượt chỉ tiêu đề ra và đạt 106,07% kế hoạch năm. Dự báo, năm 2019, nhiều thị trường tiếp tục “rộng cửa” với lao động Việt Nam.

xuat khau lao dong can dich truoc han
10 tháng đầu năm, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã vượt kế hoạch năm

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian qua, thị trường xuất khẩu lao động tại Việt Nam diễn ra rất sôi động, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài năm 2018 đã vượt kế hoạch đề ra. Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc tại nước ngoài trong tháng 10 năm 2018 là 14.548 lao động.

Theo đó, những thị trường lao động thu hút được nhiều lao động Việt Nam là thị trường Đài Loan: 5.373 lao động (1.557 lao động nữ), Nhật Bản: 8.078 lao động (3.204 lao động nữ), Hàn Quốc: 522 lao động (46 lao động nữ), ngoài ra còn có một số thị trường khác như Malaysia, Rumania, Algeria,  Kuwait…

Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động (41.636 lao động nữ) đã vượt chỉ tiêu đề ra và đạt 106,07% kế hoạch năm.

3 tháng cuối năm 2018, nhiều chính sách mới của các thì trường tiềm năng cũng được thông qua, tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Ngày 5/11, Thủ tướng Australia vừa thông báo việc nới lỏng quy định cấp thị thực nhập cảnh làm việc tạm thời để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp được thuê thêm lao động thời vụ.

Theo đó, Chính phủ Australia sẽ nới lỏng quy định đối với 2 loại thị thực nhập cảnh vào nước này, cụ thể là những lao động thời vụ tạm thời và những lao động từ các quốc đảo Thái Bình Dương để bổ sung nguồn lao động cho ngành nông nghiệp trong lúc thu hoạch mùa vụ. 

Những thay đổi này được Chính phủ Australia đưa ra sau khi có tình trạng quá nhiều hoa quả chín và hỏng ở trên cây mà không được hái xuống do các nông trại tại Australia không có đủ người làm việc. Đây là hệ quả của chính sách siết chặt việc cấp thị thực cho lao động thời vụ mà nước này thực hiện từ năm 2017 khiến cho ngành nông nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt là trong thời điểm thu hoạch. Chính phủ Australia hy vọng, việc nới lỏng chính sách cấp thị thực cho lao động thời vụ sẽ khiến ngành nông nghiệp của nước này không bị ảnh hưởng do thiếu lao động.

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã trình Quốc hội dự thảo luật kiểm soát nhập cư sửa đổi nhằm tiếp nhận thêm lao động người nước ngoài và giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng của Nhật Bản.

Theo ước tính của các bộ ngành Nhật Bản, nếu hệ thống nhập cư mới có hiệu lực từ tháng 4/2019, Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 40.000 lao động người nước ngoài trong năm tài chính 2019. Chính phủ Nhật Bản dự kiến tiếp nhận lao động người nước ngoài trong 14 lĩnh vực, trong đó có xây dựng và điều dưỡng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng vừa thông báo lịch phỏng vấn dành cho lao động đi làm hộ lý và điều dưỡng tại Nhật Bản. Đối với những ứng viên tại Hà Nội sẽ thi tuyển tại Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ LOD (924 Bạch Đằng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thời gian tập trung: ngày 8 và 9/11.

Tại TPHCM, thí sinh tham dự phỏng vấn tại Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco, địa chỉ: số 1 Phổ Quang, P2, quận Tân Bình, TPHCM. Thời gian tập trung: ngày 12/11.

Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý, cơ quan này là đơn vị duy nhất triển khai thực hiện Chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Từ năm 2012 đến nay, Cục đã đào tạo và xuất cảnh được 892 học viên về điều dưỡng viên, hộ lý sau khi kết thúc khóa học thi đạt chứng chỉ N3 với mức lương thông thường 140.000 - 150.000 yên/tháng.



Trong quá trình học tập và làm việc 3-4 năm, nếu điều dưỡng viên, hộ lý thi đạt Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản có thể ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Năm 2018 là năm đầu tiên ứng viên hộ lý Việt Nam được thi Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản và đã có 89/95 ứng viên thi đạt.