Ôm mộng đổi đời, rất nhiều người quyết định đi xuất khẩu lao động để cải thiện cuộc sống. Nhưng cuộc sống của họ có thực sự như mong muốn?
Với ước mơ khi ra nước ngoài lao động sẽ có tiền để xây nhà, mua xe, thay đổi cuộc sống khổ cực. Theo thống kê, mỗi năm, nước ta có hàng trăm nghìn người đi lao động xuất khẩu. Trong số đó, đa số là những người có xuất thân từ những vùng nông thôn nghèo khó.
Tuy nhiên, cuộc sống của công nhân lao động nơi xứ người, nhất là với chị em, có thực sự như người ta hằng mơ ước? Trường hợp của chị Cao Thị Hằng từng lao động tại Đài Loan là một ví dụ.
Ảnh do nhân vật cung cấp
Chị Hằng sinh năm 1989 ở Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là chị cả trong gia đình, nên học hết lớp 12, chị phải nghỉ học để đi làm phụ giúp bố mẹ. Tuy nhiên, đồng lương công nhân không đủ để trang trải cuộc sống cho cả gia đình, nên chị quyết định đi lao động xuất khẩu Đài Loan, mong kiếm được nhiều tiền để gửi về cho gia đình.
Năm 2008, gia đình chị vay thế chấp ngân hàng 150 triệu đồng để lo mọi thủ tục cho chị sang nước ngoài. Lúc đó, chị sang làm cho một công ty điện tử ở Đài Bắc. Tuy nhiên, chỉ làm được khoảng 4 tháng thì công ty rơi vào tình trạng thiếu việc làm, không đủ để đáp ứng công việc cho công nhân nên họ cho công nhân nước ngoài về nước, trong đó có cả chị. Khi đó, trừ mọi chi phí gồm: thuế, bảo hiểm, phí môi giới, tiền vé máy bay chị còn được số tiền 17 triệu đồng để cầm về.
Chia sẻ với PV, chị nói: “Khi tôi sang thì công ty ít việc, ngày chỉ làm 8 tiếng không có tăng ca, mỗi tuần chỉ làm 2 hoặc 3 ngày, có ngày chỉ được làm khoảng 2 tiếng. Mà tôi mới sang năm đầu nên mỗi tháng phải trả cho môi giới số tiền phí 1.260.000 đồng/ tháng, cộng thêm tiền thuế và bảo hiểm, tháng đầu tiên, tôi chỉ nhận được vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng tiền lương”.
Chị cho biết, tháng cuối cùng ở lại công ty, chị được nhận lương cơ bản nhưng toàn bộ số tiền đó phải dùng để mua vé máy bay về nước, đóng thuế và phí môi giới. Khi về đến Việt Nam, công ty môi giới trả lại cho chị số tiền là 92 triệu đồng.
Bốn tháng làm việc bên Đài Loan nhưng khi trở về nợ vẫn chưa trả hết, số lương chị nhận được còn chưa đủ hòa vốn. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, tháng 6/2009 chị tiếp tục quay lại Đài Loan để làm việc.
Lúc này, gia đình lại phải đi mượn sổ đỏ của người anh em vay thế chấp 120 triệu đồng để lo mọi thủ tục cho chị. Sang bên đó, chị làm cho một công ty chuyên về kiểm tra bản mạch điện tử ở Đài Bắc. Chị cho biết, công việc ở công ty này thì ổn, thời gian rảnh chị còn đi làm thêm bên ngoài, trừ mọi chi phí và ăn ở mỗi tháng chị gửi về cho gia đình số tiền khoảng 17 triệu đồng. Làm ở công ty này được khoảng 2 năm thì chị trả được hết nợ ngân hàng, còn dư được 1 khoản tiền chị giúp bố mẹ sửa lại căn nhà đã cũ, tháng 6/2011 chị về nước lập gia đình và sinh bé gái đầu lòng.
Vẫn nuôi trong mình ước mơ làm giàu, tháng 5/2013, chị lại tiếp tục sang Đài Loan. Số tiền phải lo mọi thủ tục lần này là hơn 140 triệu đồng và gia đình chị lại lần nữa chạy đi vay thế chấp ngân hàng. Sang Đài Loan, chị vào làm cho một công ty chuyên về kiểm tra bản mạch điện tử và PC bản ở Đài Bắc. Tuy nhiên, thời gian làm việc chỉ có 8 tiếng/ngày, không có tăng ca, trừ mọi chi phí thì mỗi tháng chị nhận được số tiền lương khoảng gần 10 triệu đồng.
“Công ty không cho công nhân đi làm thêm ở ngoài, nếu chúng tôi cố tình ra ngoài làm thêm thì sẽ bị trục xuất về nước, mà công ty lại không có tăng ca, với số lương cơ bản như vậy thì không biết đến khi nào tôi mới trả hết nợ”. chị chia sẻ.
Đến tháng 12/2014, công ty có nguy cơ phá sản. Lúc này, chị xin được chuyển chủ. Chị nhận được nhiều đơn hàng mới, nhưng có những đơn hàng được tăng ca thì lại phải làm ở điều kiện khắc nghiệt khoảng âm 10 độ C, chị không đủ sức khỏe để làm; còn những đơn hàng công việc đỡ nặng nhọc hơn thì lại không có tăng ca, trừ chi phí đi thì chẳng còn được bao nhiêu tiền. Nghĩ về số nợ vẫn chưa trả xong, chị quyết định trốn ra ngoài thành người lưu vong.
Cuộc sống lưu vong quả là không đơn giản chút nào. Sau khoảng vài tháng đi tìm việc, chị đi làm xây dựng ở một công trường. Vì không còn tiền để sinh sống, sau 8 ngày làm việc, chị xin chủ cho ứng tiền để lấy tiền sinh hoạt, nhưng chủ giở mặt không trả tiền và dọa báo công an bắt chị. Vì sợ hãi nên chị đành “bỏ của chạy lấy người”.
Tìm được công việc mới, chị vừa trồng hoa vừa chăm sóc một cụ già và cơm nước cho gia đình nhà chủ. Tuy nhiên, chị chỉ làm được 45 ngày vì thời gian làm việc quá khắc nghiệt.
“Tôi phải dậy sớm nấu cơm cho cả gia đình họ từ 6h sáng, sau đó lại ra vườn trồng hoa, buổi trưa phải về cơm nước, chăm sóc cụ già, xong xuôi lại phải ra vườn trồng hoa tiếp đến 6h tối rồi về lo bữa tối cho họ đến gần nửa đêm mới được nghỉ. Ngày nào tôi cũng trong tình trạng thiếu ngủ, mệt mỏi”
Khổ cực, nhưng chị không chùn bước, quyết tâm trả xong nợ ngân hàng, chị lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm việc. Chị tìm đến một quán ăn ở Đài Bắc và được người ta nhận vào làm. Thời gian đầu công việc cũng ổn, nhưng càng về sau mẹ của ông chủ càng có thành kiến với chị bởi vì một lý do chị là người “ngoại quốc”. Sau một năm rưỡi làm việc, do một lần mâu thuẫn, mẹ của chủ quán ăn đuổi chị đi và quỵt mất của chị hơn 20 triệu tiền lương.
“Họ nói họ chỉ coi người lao động nước ngoài là trâu ngựa. Họ không trả lương cho tôi, họ dọa báo công an nếu tôi đòi. Ra ngoài nguy hiểm lắm. Không có quyền lợi nào cho người bất hợp pháp cả, nhiều người đã phải bỏ mạng bên Đài Loan vì miếng cơm manh áo.”, chị tâm sự.
Như vậy, cuộc sống ở nước ngoài thực sự không đơn giản chút nào, không phải là cuộc sống màu hồng mà nhiều người hằng mơ ước. Phía sau những đồng tiền mà người lao động gửi về là tất cả sự cực nhọc, vất vả, là những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt người lao động.
Sau 9 năm bôn ba nơi xứ người, khi được hỏi về mong muốn hiện tại, chị Hằng khóc tâm sự: "’9 năm bon chen đủ để tôi nếm trải mọi đau khổ trên đời, nợ nần thì giờ cũng vơi bớt rồi, tôi chỉ muốn được trở về quê nhà đoàn tụ với gia đình. Khi còn làm ở quán ăn, thấy người ta tổ chức sinh nhật cho con họ, tôi nhớ con gái tôi ở quê đến rơi nước mắt ’’.
Nguồn: tbdn.com.vn
EmoticonEmoticon