Không thể xuất khẩu cử nhân làm việc phổ thông

20:34
Trước ý tưởng Bộ LĐTB&XH dự tính đưa cử nhân thất nghiệp đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhiều chuyên gia e ngại về tính khả thi, bởi dạy đội ngũ này khởi nghiệp ở trong nước cũng là cách giảm thiểu tình trạng thất nghiệp hiện nay.

Xuất khẩu trình độ cao không đơn giản

Theo thống kê, tình trạng thanh niên, sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp và thiếu việc làm trong cả nước vẫn còn hơn 200.000 người.  Để giải quyết công việc cho đối tượng này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ khuyến khích các DN tiếp nhận họ vào làm việc, cũng như tạo điều kiện tối đa cho giới trẻ được tiếp cận ở các môi trường tốt hơn, kể cả thực hiện giải pháp tạm thời là tạo điều kiện cho họ đi XKLĐ.

Không thể xuất khẩu cử nhân làm việc phổ thông
Tư vấn cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm 2017.

Nhiều người đồng tình với giải pháp tình thế này để giúp NLĐ trình độ từ cử nhân trở lên có được việc làm. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ LĐTB&XH muốn đưa họ sang thị trường lao động nước ngoài, cần tìm hiểu ở đó đang thiếu lao động ngành nghề gì, yêu cầu trình độ và kỹ năng ra sao, thu nhập thế nào. Bộ cũng nên phân loại cử nhân thất nghiệp để đối chiếu với nhu cầu thị trường lao động các nước, tránh tình trạng lãng phí khi đưa lao động được đào tạo trình độ cao đi làm công việc phổ thông. TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD&ĐT cho rằng, Bộ LĐTB&XH không nên đưa cử nhân ra nước ngoài làm công việc phổ thông, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao, thể chế và cơ sở hạ tầng là 3 trụ cột để Nhà nước đổi mới mô hình tăng trưởng. Ít nhất những người đã tốt nghiệp ĐH là điều kiện cần để được coi như nhân lực chất lượng cao.

Đồng tình với giải pháp tình thế, song PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, ĐH Kinh tế Quốc dân lại băn khoăn ở chỗ trình độ của đội ngũ này có đáp ứng yêu cầu về tay nghề của thị trường nước ngoài hay không. Hơn nữa, nếu XKLĐ có trình độ, ai sẽ ở lại trong nước làm việc? Một vấn đề lớn mà Việt Nam đang gặp phải đó là bẫy “kỹ năng thấp” mà nhiều năm nữa mới có thể thay đổi.

Tạo việc làm tại chỗ

Để có thể đưa đội ngũ cử nhân, kỹ sư ra nước ngoài làm việc, nhiều người đề nghị Bộ LĐTB&XH tìm công việc đúng ngành đã đào tạo và đối tác đang cần. Đồng thời, để cạnh tranh được thì vấn đề cốt lõi là phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước. Nếu NLĐ thiếu kỹ năng và ngoại ngữ, Bộ nên tổ chức những khóa bồi dưỡng.

Tuy nhiên, không ít người đặt câu hỏi: Tại sao không dạy cho cử nhân thất nghiệp cách khởi nghiệp ngay tại Việt Nam? Nhất là khi phong trào khởi nghiệp đang lên và ở đâu người ta cũng bàn về nội dung này rất sôi nổi. Một vấn đề nữa cũng được đề cập đến là các nước có nhu cầu tuyển lao động phổ thông, trong khi mình lại XKLĐ trình độ cử nhân, liệu có phù hợp?

Cùng với giải pháp đưa thanh niên, sinh viên tốt nghiệp đi XKLĐ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết năm 2017 này, tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên là giải pháp đột phá của ngành lao động. Vì thế, ông mong muốn tất cả các thanh niên, sinh viên tiếp cận với tư duy mới, việc làm đó không phải chỉ ở trong cơ quan Nhà nước, DN. Quan trọng nhất, mỗi người tìm cho mình công việc xứng đáng, có thu nhập góp phần ổn định cuộc sống cho bản thân, gia đình và xã hội phát triển.

Thị trường lao động các nước cần nhiều lao động với những phân khúc khác nhau. NLĐ có thể làm những công việc giản đơn hoặc yêu cầu ở trình độ cao. Quan trọng nhất là chúng ta đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực để chiếm lĩnh thị trường và có thu nhập tốt.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH  Doãn Mậu Diệp

Nguồn: kinhtedothi.vn

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »