Xuất khẩu lao động xác lập kỷ lục mới

16:01
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), ước tính có hơn 140.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018, tăng 7% so với năm 2017. 
xuat khau lao dong xac lap ky luc moi
Xuất khẩu lao động năm 2018 xác lập kỷ lục mới.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, xuất khẩu lao động vượt mốc 100.000 người/năm và số lượng tiên tục tăng qua từng năm. Đặc biệt, trong năm 2018, Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) vươn lên trở thành nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với hơn 67.000 lao động. Tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) với khoảng 65.000 lao động. Thị trường Hàn Quốc đứng thứ ba với hơn 6.000 lao động. Các thị trường còn lại là Arab Saudi, Rumania, Malaysia, Kuwait…

Báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu lao động cho thấy, trong năm 2018, có 28 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam thì chỉ có 6 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên, bao gồm thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Rumania và Arab Saudi.

Riêng hai thị trường Đài Loan và Nhật Bản có số lao động chiếm tới hơn 90% tổng số đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước. Các thị trường tiếp nhận lớn lao động Việt Nam vẫn tập trung vào các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á.

Để đạt được thành quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt con số kỷ lục, nhiều địa phương đã triển khai tích cực chính sách xuất khẩu lao động.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, ngoài việc tăng cường tuyền truyền về văn bản chính sách tới các cấp, các ngành và người dân, Sở đã phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) thực hiện các chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như: Chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc EPS, chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, chương trình điều dưỡng sang Cộng hòa Liên bang Đức...

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng thường xuyên mở các phiên giao dịch việc làm cho lao động từ Hàn Quốc trở về. Phiên giao dịch sẽ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động EPS, người lao động EPS về nước của Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Các địa phương khác có nhiều lao động làm việc tại nước ngoài như Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng thường xuyên cập nhật các thông tin về các thị trường lao động, các chính sách pháp luật; chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, các quận, huyện, thị xã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng và ở địa phương để thông tin đến kịp thời tới người lao động.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng địa phương cũng định kỳ kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Đơn vị nào có dấu hiệu vi phạm những quy định đặt ra, sẽ xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »