Công tác quản lý được tăng cường là một nguyên nhân góp phần đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Năm 2017 cả nước đưa đi được gần 135 nghìn lao động (trong đó lao động nữ chiếm 39,6%), vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% thực hiện năm 2016. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54,5 nghìn lao động, Đài Loan gần 67 nghìn lao động, Hàn Quốc: 5 nghìn lao động; Ả rập - Xê út gần 4 nghìn lao động.
Công tác quản lý được tăng cường góp phần đẩy mạnh xuất khẩu lao động
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết đây là kết quả từ việc đơn vị này đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng chính sách thông qua tăng cường xúc tiến trao đổi thông tin ở các cấp với cơ quan hữu quan của các nước tiếp nhận lao động; đàm phán và ký kết các Thỏa thuận hợp tác lao động với những nước chưa ký Hiệp định/Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với Việt Nam.
Bộ cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường; phối hợp với các Hiệp hội nghề trong nước và Hiệp hội nghề của nước tiếp nhận để tìm hiểu nhu cầu tiếp nhận lao động người nước ngoài trong các lĩnh vực mới, đặc biệt là các ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam; cũng như kịp thời thông tin chính thức về các chính sách liên quan đến tiếp nhận lao động.
Bên cạnh đó, bộ còn tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh của lao động Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác đang triển khai tốt và được các cơ quan truyền thông, dân chúng nước sở tại quan tâm, đánh giá cao như: chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản; điều dưỡng viên Việt Nam đi học tập và làm việc tại CHLB Đức…
Công tác quản lý được tăng cường cũng là một nguyên nhân góp phần đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Bộ trưởng Dung cho biết, chỉ các DN đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về vốn, nhân sự, cơ sở vật chất... mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này. Tính đến 29/5/2018 có 328 DN được cấp giấy phép. Các DN phần lớn có trụ sở chính tại Hà Nội (chiếm khoảng 60%), tại TP. Hồ Chí Minh (chiếm khoảng 20%), còn lại 20% là DN có trụ sở chính tại các địa phương khác.
Để tăng cường quản lý hoạt động của các DN, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hướng bền vững, Bộ LĐTB&XH cho biết đã ban hành các quy định cụ thể về mức chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài như: phí môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ... Thông tin cụ thể về chi phí để đi làm việc theo các hợp đồng được bộ thẩm định cũng đã được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc bộ.
Cùng với đó, Bộ LĐTB&XH cũng thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các DN để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép hoạt động đối với những DN không đảm bảo duy trì điều kiện tối thiểu để được hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc những DN hoạt động kém hiệu quả, những DN vi phạm đến mức phải xử lý thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2016 và 2017, bộ đã tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với hơn 60 DN hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu hồi giấy phép của 6 DN và đình chỉ hoạt động của 5 DN, xử phạt 31 DN. Tổng số tiền phạt từ năm 2016 đến hết năm 2017 là gần 4 tỷ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, bộ cũng đã tiến hành thanh tra 5 DN, tổng số tiền xử phạt là 490 triệu đồng.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các sai phạm, chấn chỉnh hoạt động chưa đúng với quy định của pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các sai phạm của DN về việc thu phí đối với người lao động vượt quá mức quy định, đặc biệt là thị trường Đài Loan.
EmoticonEmoticon